Ngoài một số lĩnh vực tiêu biểu như nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng mới và các giải pháp môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) còn rất lớn.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ngày 26/7/2024, tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tiếp.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Ito Naoki gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến và Chính phủ Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngài Đại sứ cho biết, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều năm qua đã không ngừng được mở rộng và phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Hiệp định Chính phủ về hợp tác KH&CN Việt Nam – Nhật Bản đã được ký vào tháng 8/2006, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học đẩy mạnh hợp tác thông qua việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo bước phát triển mới để tăng cường hoạt động hợp tác về KH&CN.
Thời gian qua hai bên đã tổ chức 04 Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác KH&CN để thảo luận nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về KH&CN giữa hai nước ngày càng phát triển một cách sâu rộng. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị để tổ chức Khóa họp lần thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp trong năm 2020. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động này phải tạm hoãn. Do đó, Nhật Bản mong muốn thời gian tới Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 tiếp tục được triển khai.
Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh, Sáng kiến chung ASEAN – Nhật Bản là sự hợp tác đặc biệt giữa Nhật Bản và ASEAN trong đó có Việt Nam thông qua quỹ ASEAN – Nhật Bản. Đại sứ mong muốn Bộ KH&CN quan tâm, tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ chung trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam như chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Bên cạnh đó tham gia vào chương trình, dự án như: xây dựng hệ thống cung cấp nước, chống ô nhiễm nước; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường.
Đại sứ chia sẻ một số dự án đang triển khai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với sự hợp tác và hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản như: dự án đào tạo nguồn nhân lực cao, công nghệ nano, khoa học máy tính… tại Trường Đại học Việt Nhật và Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cảm ơn ngài Đại sứ đã chia buồn đối với nhân dân Việt Nam, và chúc mừng ngài Đại sứ bắt đầu nhiệm kỳ trong thời điểm quan hệ hai nước sâu sắc hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng cho biết, tại Việt Nam, hợp tác và hội nhập quốc tế được coi là giải pháp then chốt để nâng cao nhanh tiềm lực và trình độ KH,CN&ĐMST của đất nước. Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương không ngừng được đẩy mạnh với các hoạt động trên nhiều lĩnh vực và khuôn khổ khác nhau.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tặng quà lưu niệm cho ngài Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki.
Bộ KH&CN mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cán bộ nghiên cứu tại các viện, trường cũng như các cơ quan có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các chương trình tài trợ cho hợp tác nghiên cứu của Nhật Bản, Bộ trưởng cho biết.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, hai bên cùng mong muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác chính thức và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác này thông qua việc tiến tới ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) về KH,CN&ĐMST.
Bộ trưởng cảm ơn Ngài Đại sứ đã luôn quan tâm, chia sẻ, ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH,CN&ĐMST với Việt Nam. Đồng thời mong muốn Ngài Đại sứ, trong nhiệm kỳ công tác của mình tiếp tục quan tâm, ủng hộ và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong một số lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế