Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Tại Bidiphar, báo cáo về tình hình hoạt động của công ty, Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương cho biết, từ khi thành lập (năm 1980) đến nay, Công ty đã được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao vào sản xuất như: nghiên cứu thành công thuốc tiêm kháng sinh, dung dịch tiêm truyền kháng sinh và axit amin, áp dụng công nghệ đông khô để sản xuất các thuốc đặc trị, sản xuất thuốc điều trị ung thư… Mới đây, Bidiphar đã được công nhận là doanh nghiệp KH&CN.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác thăm Công ty Bidiphar.
Thời gian tới, Bidiphar sẽ tập trung sản xuất thuốc điều trị ung thư (thuốc viên, thuốc tác dụng tại đích, thuốc công nghệ sinh học), dung dịch thẩm phân (dung dịch lọc máu liên tục, phối hợp creatine trong thẩm phân máu, sản phẩm viên đạm bổ sung cho bệnh nhân), kháng sinh và các thuốc đặc trị (thuốc nhỏ mắt, thuốc tim mạch, tiểu đường…). Bên cạnh đó, hoàn thành đầu tư nhà máy vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-REU, nhà máy thuốc OSD Non-Betalactam theo tiêu chuẩn GMP-REU…
Tổng Giám đốc Bidiphar kiến nghị Bộ KH&CN có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận các công nghệ chưa có tại Việt Nam; tạo cơ chế để doanh nghiệp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện, trường; hỗ trợ các đề tài/dự án ngành dược, dược liệu theo chiến lược phát triển ngành dược; mở rộng mục đích sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư máy móc sản xuất thuốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm…; có hướng dẫn chi tiết về xử lý sản phẩm, tài sản hình thành sau khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN…
Thứ trưởng Trần Hồng Thái đánh giá cao những kết quả Bidiphar đạt được, đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và đội ngũ nhân sự trẻ, Bidiphar sẽ sớm đạt được các kế hoạch đề ra. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Bidiphar cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, chất lượng cao (trong đó có dược phẩm phóng xạ), nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thứ trưởng và Đoàn công tác đánh giá cao các ý tưởng, ý kiến đóng góp của Công ty và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Công ty trong phối hợp xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN có liên quan.
Gợi mở các hướng nghiên cứu mới cho viện nghiên cứu, trường đại học
Tại buổi làm việc với Trường Đại học Quy Nhơn, Thứ trưởng và Đoàn công tác đã nghe PGS.TS. Đoàn Đức Tùng, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo kết quả hoạt động cũng như các ý kiến đề xuất. Theo đó, Trường có 13 khoa/bộ môn, 10 viện/trung tâm, 10 phòng chức năng và đang đào tạo 77 ngành. Từ năm 2020 đến nay, Trường thực hiện 3 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 3 đề tài độc lập, 24 nhiệm vụ KH&CN. Từ năm 2017-2024, Trường có 15 sáng chế được công nhận, 5 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, khoảng 100 bài báo khoa học được đăng tải/năm, cùng nhiều công trình khoa học đã áp dụng vào thực tiễn như: Cryobird – Phát triển công nghệ sinh học sinh sản để quản lý đa dạng di truyền; sản xuất gonadotropin chuỗi đơn để điều trị sinh sản; xử lý bùn thải thủy sản thành phân hữu cơ tại Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định… Trường đã đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tham gia vào một số chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác làm việc với Trường Đại học Quy Nhơn.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái bày tỏ ấn tượng về cơ sở vật chất, kết quả đào tạo, hoạt động KH&CN của Trường. Đồng thời, mong muốn Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức, trong đó có kế hoạch thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giảng dạy tại Trường, nâng cao năng lực các nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn…; hỗ trợ xây dựng, thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học trẻ (giảng viên, sinh viên). Bên cạnh đó, nhà trường cần bám sát yêu cầu thực tiễn ở địa phương để đề xuất, tham gia vào các chương trình/dự án KH&CN và Bộ KH&CN sẽ đồng hành cùng Trường để xây dựng, triển khai…
Tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, sau khi nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo một số kết quả trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, cùng đề xuất tham gia nghiên cứu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả, thành tựu Viện đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định. Đồng thời, đề nghị Viện tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo một số cây, con giống phù hợp, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu tại tỉnh, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cần liên kết để phát triển các sản phẩm theo chuỗi từ chọn tạo, nhân giống, trồng và chế biến, xây dựng kế hoạch và có định hướng kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…
Khu trồng dưa chuột thơm tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ.
Truyền thông, khơi dậy tình yêu và niềm đam mê khoa học
Chiều ngày 20/7, Thứ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo và Trung tâm ICISE.
Thăm Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành và tạo điều kiện của Bộ KH&CN trong suốt thời gian qua. Để tiếp tục phát triển ICISE với mục tiêu xây dựng thành điểm đến gặp gỡ khoa học đặc trưng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, GS. Trần Thanh Vân kiến nghị Bộ KH&CN xem xét tăng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm; hỗ trợ tăng kinh phí cho phát triển chương trình nghiên cứu đặc thù tại Trung tâm ICISE; đề xuất Bộ KH&CN ủng hộ Đề án thành lập Khu Đô thị khoa học Quy Hòa – Đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái trao đổi với các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm ICISE.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận các kiến nghị của các đơn vị. Thứ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc đã dành nhiều tâm huyết trong xây dựng và phát triển Trung tâm ICISE, kết nối các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, góp phần để KH&CN Việt Nam được thế giới biết đến.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái tặng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc bức tranh lưu niệm.
Thứ trưởng đánh giá cao công tác truyền thông, khơi dậy đam mê và tình yêu khoa học của thế hệ trẻ do 2 Trung tâm đang thực hiện. Theo Thứ trưởng, hoạt động truyền thông, giới thiệu các chuyên ngành, cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh trực quan sinh động sẽ giúp thế hệ trẻ thêm yêu khoa học, được định hướng để lựa chọn các ngành khoa học phù hợp trong tương lai.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN