Ngày 13/6, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 cơ bản đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, là cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ…
Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ |
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, để đáp ứng những yêu cầu mới trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH- UBTVQH15, trong đó có nhiệm vụ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, dự án Luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, Luật Khoa học và Công nghệ là đạo luật gốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế – xã hội.
Do đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật này do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Phó Trưởng Ban, thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, cơ quan. Thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về nội dung thẩm tra các chính sách trong dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đều thống nhất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi); đồng thời tập trung thảo luận vào 7 nhóm vấn đề chính.
Cụ thể, thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó bổ sung phạm vi đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, đầu tư tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó nghiên cứu thiết kế mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nghiên cứu quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ưu đãi về thuế.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó, nghiên cứu về cách thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu đổi mới cơ chế ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng “đề tài bỏ ngăn kéo”.
Thứ năm, hoàn thiện quy định được thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
Thứ sáu, nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Thứ bảy, đề xuất thêm nội dung sửa đổi, bổ sung (nếu có).