Theo World Crunch, số lượng tác phẩm dày hơn 400 trang được ra mắt đang ngày càng ít đi. Thực tế này nói lên điều gì về xu hướng đọc và thị trường xuất bản hiện nay?
“Thời gian đọc: 2 phút…” là thông điệp ngày càng phổ biến khi độc giả truy cập các bài báo trên phương tiện truyền thông số. Được đặt ngay phần đầu tin tức, khuyến nghị này giúp độc giả cân nhắc có nên dành thời gian cho nội dung phía dưới hay không. Việc đặt cảnh báo như vậy cũng cho thấy các đơn vị xuất bản tin tức nhận thức rõ về sự quý giá của thời gian và sự cạnh tranh gay gắt hiện nay trong việc cung cấp thông tin.
Và với sách, một điều may mắn là chưa có cảnh báo tương tự ngay trên bìa. Tuy nhiên, các nhà xuất bản cũng đã nhận thức rõ xu hướng đọc mới từ độc giả khi họ ra mắt các cuốn sách ngày càng ngắn hơn. Theo một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Words Rated của Mỹ, trong thập kỷ qua, số lượng sách bán chạy đã giảm hơn 11% và những cuốn sách dày hơn 400 trang ngày càng trở nên hiếm.
Độ dài của các tác phẩm được ra mắt ngày càng ngắn đi. Ảnh: Zuma.
Mang lại thêm lợi nhuận cho nhà xuất bản
Trong khi công chúng có thể đặt câu hỏi về việc thu hẹp độ dài tác phẩm có ảnh hưởng tới chất lượng văn bản không thì câu trả lời dường như là không. Chất lượng văn học không liên quan gì đến số trang.
Một minh chứng tương đối rõ là bộ tác phẩm 7 quyển, mỗi quyển trung bình 600 trang, In Search of Lost Time của Marcel Proust và cuốn Metamorphosis chỉ dài hơn 100 trang của Kafka đều là kiệt tác văn học với những giá trị đặc sắc riêng biệt.
Khi chất lượng tác phẩm với số trang không ảnh hưởng gì tới nhau thì xu hướng ra mắt các tác phẩm ngắn hơn hiện tại tác động ra sao tới giới xuất bản. Tại Tây Ban Nha, báo cáo Panorámica de la edición Española de libros (Tổng quan về các tác phẩm tiếng Tây Ban Nha) năm 2019, được thực hiện với dữ liệu từ đơn vị xác nhận các tác phẩm ISBN Agency, tiết lộ rằng số trang sách trung bình hiện tại là 250 và gần 50% số sách được xuất bản có độ dài dưới 200 trang.
Trong bối cảnh thị trường xuất bản nhiều biến động sau đại dịch Covid-19, giá giấy và các vật tư công nghiệp khác tăng, thì việc xuất bản những cuốn sách ngắn hơn có thể giảm phần nào gánh nặng chi phí cho nhà xuất bản.
Trước đây, độc giả có thể dành ba tháng để đọc một quyển trong bộ tác phẩm của Proust, với giá dưới 20 euro/ cuốn thì nay họ có thể đọc 3 cuốn sách có chất lượng như các kiệt tác của Kafka với giá khoảng 15 euro mỗi cuốn. Theo cách tính này, lợi nhuận của nhà xuất bản được đảm bảo.
Thói quen của độc giả
Có thể nhận thấy thói quen đọc hay thu thập thông tin của độc giả đại chúng đang thay đổi ngày càng rõ rệt, đặc biệt là việc họ quen với nội dung dạng ngắn. Các ứng dụng mạng xã hội phổ biến như Facebook, X, TikTok… cho phép người dùng lướt qua các nội dung và video chỉ trong vài giây.
Nghiên cứu từ năm 2010 của tác giả ăn khách kiêm chuyên gia công nghệ thông tin Nicholas Carr đã chỉ rõ tác hại của việc tiếp xúc với nội dung dạng này là độc giả sẽ đọc hời hợt hơn, ghi nhớ kém hơn và không được lợi nhiều từ giá trị nội dung.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo tương tự, việc các tập đoàn công nghệ liên tục đổi mới nội dung và hình thức thông tin theo hướng ngắn đã cuốn người dùng theo thói quen của họ. Hiện nay có thể thấy xu hướng này đang tác động lên hầu hết ấn phẩm, từ phim ảnh, video trực tuyến đến tác phẩm văn học.
Công chúng ngày nay có thể đã nghe đến “tiêu dùng thông tin” – cụm từ phản ánh rõ một xã hội tiêu dùng nhanh, vội vã và ngày càng hối hả. Theo đó, việc đọc sách dần không còn diễn ra chậm rãi, thư thả khi người đọc có thể dành cả buổi chiều cho một cuốn sách. Để thích ứng với xu hướng này, các cuốn sách ngắn được ra đời để mọi người có thể tranh thủ đọc khi đang ngồi trên xe bus, ngồi chờ máy bay hay trong các hành trình di chuyển khác.
Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, thật khó để dự đoán liệu trong tương lai không xa, việc đọc nội dung trên trang bìa sách in cũng được tính vào thời gian đọc và được khuyến nghị ngay dưới chân trang hay không? Nếu điều này xảy ra, có lẽ mọi người có thể tự an ủi mình bằng câu châm ngôn của nhà truyền giáo kiêm triết gia dòng Tên người Tây Ban Nha Baltasar Gracián, viết trong cuốn The Art of Worldly Wisdom năm 1647: “Những điều tốt khi được truyền tải ngắn gọn thì càng trở nên đẹp đẽ hơn. Còn sự xấu xa nếu được diễn đạt gọn lại cũng không quá tệ”.
Minh Hoa