LỜI NÓI ĐẦU
Tuy có kích thước hiển vị và cấu trúc đơn giản nhưng thiên nhiên lại “phú” cho vi sinh vật những hoạt tính sinh lý đa dạng, phức tạp và quan trọng, trong đó có những hoạt tính mà các sinh vật bậc cao, kể cả con người không có, như hô hấp kỵ khí, cố định nito phân tử, phân giải các hợp chất bền vững (xenluloza, licnin, kitin…), thậm chí cả nhiều chất lạ (xenobiotics) do con người tổng hợp (các chất trừ sâu, diệt cỏ, dioxin,,,). Vì vậy, mặc dù có chỗ, có lúc gây ra những tổn thất to lớn cho đời sống (như làm hư hỏng các đồ ăn, thức uống, đồ dùng hàng ngày, cũng như các hàng hóa xuất, nhập khẩu, gây bệnh cho cây trồng và động vật chăn nuôi…), nhưng con người không thể sống thiếu vắng vi sinh vật. Hãy thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó, vì một sự cố rủi ro, tất cả vi sinh vật bỗng biến khỏi trái đất này thì lập tức thảm họa sẽ ập đến với con người: không còn thịt bò để ăn, sữa bò để uống; bia, rượu cũng vắng mặt trong các bữa liên hoan, tiệc tùng; các chu trình tuần hoàn C, N, P, S ngừng hoạt động, mặt đất phủ đầy xác chết và sự sống cũng chấm dứt. May thay, sự cố rủi ro trên không bao giờ xảy ra và vi sinh vật mãi mãi chung sống với con người. Rõ ràng, “ Vai trò của cái vô cùng nhỏ trong tự nhiên là vô cùng lớn” (Pasteur).
Vì vậy, việc nghiên cứu sinh lý, sinh hóa của vi sinh vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, một mặt giúp ngăn chặn hoặc giảm nhẹ các tác hại do chúng gây ra, mặt khác tận dụng khai tác các hoạt tính sinh học có ích để cải thiện đời sống và nâng cao sức khỏe cho con người.
Trong chuyên đề này chúng tôi chỉ đề cập đến một số hoạt tính sinh học quan trọng và phổ biến của vi sinh vật, chủ yếu là của vi khuẩn. Chắc chăn chuyên đề không tránh khỏi còn có nhiều thiếu sót, do đó tác giả rất mong nhận được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp.
Tác giả
GS.TS. NGUYỄN ĐÌNH QUYẾN
MỤC LỤC
Lời nói đầu
CHƯƠNG 1. TRAO ĐỔI CHẤT
CHƯƠNG 2. LÊN MEN
CHƯƠNG 3. HÔ HẤP KỊ KHÍ
CHƯƠNG 4. VI KHUẨN HÓA DƯỠNG VÔ CƠ
CHƯƠNG 5. QUANG HỢP
CHƯƠNG 6. CỐ ĐỊNH NITƠ
TÀI LIỆU THAM KHẢO