LỜI NÓI ĐẦU
Đầu những năm 60 thế kỷ trước xu hướng chung của ngành dược thế giới đã đi sâu nghiên cứu thuốc từ cây cỏ. Ví dụ, nước Pháp có ngành tân dược rất phát triển, đạt nhiều thành công trong phòng và chữa bệnh và chữa bệnh cho con người, nhưng dùng tân dược cũng đã để lại trong người bệnh nhiều tác dụng không mong muốn. Từ năm 1986 Bộ Y tế Pháp đã chính thức công nhận thuốc từ thảo dược. Ngành dược ở Pháp và nhiều nước công nghiệp khác như Mỹ, Anh,Ý, Đức… đã đầu tư lớn cho nghiên cứu, chế biến và sản xuất thuốc từ thảo dược rất hiện đại. Các nước có nền y học cổ truyền lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á… đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngành dược sản xuất thuốc từ cây cỏ. Các nhà thực vật học, hóa học, nông học, dược học, sinh học phối hợp cùng nghiên cứu chọn đất trồng tốt nhất, xác định bộ phận dùng trong cây, chiết tách các hợp chất, nghiên cứu dạng bào chế và thử dược lý, lâm sàng thành công rất nhiều loại thuốc từ thảo dược.
Ở Việt Nam trong vài thập kỷ qua công tác nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc rất được Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đã tiến hành điều tra cả nước, từ năm 1961 đến nay đã ghi nhận được 3948 loài cây thuốc, thuộc 307 họ thực vật và nấm. Các viện nghiên cứu, các xí nghiệp Nhà nước, liên doanh hoặc tư nhân sản xuất thuốc từ dược liệu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Yêu cầu nguyên liệu cây thuốc rất lớn. Theo đánh giá của Viện Dược liệu 1988 cần 30.000 tấn cung cấp cho hệ thống y học cổ truyền và 20.000t tấn cho công nghiệp dược và xuất khẩu. Công tác trọng tâm trong chiến lược ngành dược nước ta giai đoạn 2001-2005 phải đảm bảo 40% vào vào năm 2010 là 60% thuốc thiết yếu sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Dược liệu vẫn được khẳng định là nền tảng chủ yếu trong nghiên cứu và sản xuất của ngành Dược. Nhưng thực trạng hiện nay ra sao?
- Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX dược liệu đã bị thuốc tây lấn át. Nguồn dược liệu thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt. Riêng nguồn thiên nhiên cung cấp 20.000 tấn/năm của 200 loài có tính phổ biến và thương mại
- Đông dược Trung Quốc tràn ngập, từ thuốc chín (thuốc Bắc) đến thành phẩm.
- Số lượng cây thuốc ở nước ta được đưa vào chiết xuất còn rất hạn chế. Trong tổng số 5659 mặt hàng trong nước từ 346 hoạt chất, thì 3392 sổ đăng ký thuốc nước ngoài có 890 hoạt chất.
- Tình trạng khai thác rừng làm nương rẫy, đô thị hóa, chặt phá rừng bừa bãi lấy gỗ, cháy rừng, lũ lụt… cũng làm mất theo nhiều cây thuốc.
- Đội ngũ người làm công tác chuyên sâu về cây, con làm thuốc còn thiếu và yêu về chuyên môn. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng cây trồng và năng suất, nâng cao hiệu suất chiết tách các hoạt chất trong cây thuốc còn ít.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương không thể quản lý nổi công tác dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng.
Trước tình hình trên trong chỉ thị mới đây nhất của Nhà nước số 25/1999/CT-Ttg ngày 30 tháng 8 năm 1999 ở mục 9 ghi rõ: “… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu xây dựng đề án bảo vệ tái sinh và tổ chức nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là những cây quý hiếm…”
Viện Dược liệu- Bộ Y tế còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện chỉ thị này. Quan trọng và trước tiên phải góp phần tích cực với các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành, với các địa phương tạo lập một đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng làm công tác điều tra và bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen di truyền để tạo nhiều giống mới chất lượng cao, nghiên cứu hóa thực vật, sàng lọc các hoạt chất để bào chế các dạng thuốc.
Sự cải thiện hệ thống giống cây trồng được Nhà nước ngày càng quan tâm đầu tư trong đó có cả giống cây dược liệu , cây thực phẩm- thốc. Chất lượng thuốc chữa bệnh phụ thuộc nhiều vào giống cây tròng, vào điều kiện chăm bón, thu hái và bảo quản.
Từ năm 1979, Viện Dược liệu đã được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chức năng đào tạo học vị tiến sĩ. Trước và sau năm 1979, ngoài việc đào tạo tiến sĩ và cao học viện cũng góp phần đáng kể cùng các địa phương làm công tác điều tra, sơ bộ xác định trữ lượng nguồn cây thuốc thiên nhiên; hướng dẫn đại phương cách trồng và bảo vệ tái sinh các loài cây thuốc quý hiếm, đồng thời đã tiếp nhận nhiều cán bộ tốt nghiệp đại học dược, sinh học, nông học, hóa học thực tập trong các labo, pilot và các trạm, các trung tâm nghiên cứu nuôi trồng và chế biến dược liệu thuộc Viện.
Đến nay, để hỗ trợ cho việc giảng dạy và thực tập, Viện thấy cần phải biên soạn bộ giáo trình sau đại học “ Nghiên cứu thuốc từ thảo dược” nhằm đào tạo và nâng cao cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh về hai mảng kiến thức:
- 1. Điều tra, bảo tồn và tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao làm thuốc phòng và chữa bệnh.
- 2. Các phương pháp nghiên cứu tác dụng dược lý của thuốc bào chế từ cây thuốc.
Nội dung tập giáo trình này gồm 5 phần sau:
Phần I. Điều tra và bảo tồn nguồn dược liệu thiên nhiên ở Việt Nam
Phần II. Kỹ thuật trồng trọt, chăm bón, tạo giống và thu hoạch cây thuốc.
Phần III. Chiết xuất dược liệu
Phần IV. Các nhóm hợp chất thiên nhiên chính trong dược liệu.
Phần V. Các phương pháp hóa lý ứng dụng trong phân tích, kiểm tra dược liệu.
Bộ sách do các giáo sư, tiến sĩ chuyên sâu có nhiều chục năm kinh nghiệm giảng dạy, đi thực địa điều tra, nghiên cứu và trực tiếp làm những thí nghiệm biên soạn.
Hơn nữa, Viện được bổ sung nhiều trang thiết bị nghiên cứu và sản xuất thử (pilot) hiện đại, đã từng bước xây dựng bảo tàng tiêu bản cây, con làm thuốc, xây dựng các vườn,trại, trung tâm nghiên cứu cây thuốc ở các vùng khí hậu khác nhau trong nước. Đó là những thuận lợi giúp các nghiên cứu sinh và thực tập sinh học tập có kết quả.
Các tác giả chân thành cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Dũng Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo Bộ Y tê, Tiến sĩ Vụ Trưởng Trần Thu Hà và Tiến sĩ Đỗ Văn Nhượng Vụ đại học và Sau đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã góp ý kiến nâng cao tính khoa họ, cập nhật và thực tiễn cho tập giáo trình này. Tuy nhiên, việc biên soạn không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất biết ơn khi nhận được những ý kiến bổ sung của các bạn đồng nghiệp đã,đang làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất thuốc từ thảo dược.
PGS.TS. Nguyễn Thượng Dong
MỤC LỤC
Phần I
ĐIỀU TRA CÂY THUỐC VÀ NGHIÊN CỨU BẢO TỒN
TS.Nguyễn Tập
Chương 1: ĐIỀU TRA CÂY THUỐC
Chương 2: BẢO TỒN CÂY THUỐC
Phần II
KỸ THUẬT TRỒNG, THU HÁI VÀ SƠ BỘ
CHẾ BIẾN CÂY THUỐC
Phần III
CHIẾT XUẤT DƯỢC LIỆU
TS. Nguyễn Duy Thuần
Phần IV
CÁC NHÓM HỢP CHẤT THIÊN NHIÊN CHÍNH
TRONG DƯỢC LIỆU
Chương I: TINH DẦU VÀ MỘT SỐ DƯỢC LIỆU CHỨA TINH DẦU
TS. Nguyễn Duy Thuần
Chương II: POLYSACCHARID VÀ DƯỢC LIỆU CHƯA POLYSACCHARID
GS. Vũ Ngọc Lộ
Chương III: MỘT SỐ HỢP CHẤT PHENOL VÀ DƯỢC LIỆU CHỨA HỢP CHẤT PHENOL
TS. Nguyễn Văn Thanh, TS. Nguyễn Bích Thu
Chương IV: ALCALOID TRONG DƯỢC LIỆU
GS.TS. Phạm Thanh Kỳ
Chương V: GLYCOSID TIM VÀ DƯỢC LIỆU CHỨA GLYCOSID TIM
GS. Vũ Ngọc Lộ
Chương VI: ĐẠI CƯƠNG VỀ SAPONIN VÀ DƯỢC LIỆU CHỨA SAPONIN
PGS.TS. Nguyễn Thượng Dong
Phần V
CÁC PHƯƠNG PHÁP HÓA LÝ ỨNG DỤNG TRONG
PHÂN TÍCH KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
Chương I: CÁC PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ
PGS.TS. Bùi Thị Bằng
Chương II: CÁC PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ
PGS.TS. Nguyễn Kim Cẩn