Sách khoa học cho thiếu nhi thiếu đến mức nào?

Trong những năm gần đây, nếu như mảng sách văn học khá dày dặn thì mảng sách khoa học dành cho thiếu nhi mới chỉ bắt đầu được chú ý, nhưng chủ yếu là sách dịch và cũng chỉ tập trung ở một vài mảng đề tài. Còn sách do nhà khoa học trong nước viết thì ngày càng ít, ít đến mức trầm trọng…
 
Thiệt thòi cho trẻ em
 
Vì sao cần sách khoa học cho thiếu nhi? Câu trả lời khá đơn giản, con trẻ và tự nhiên là hai thế giới có nhiều điểm vô cùng gần gũi với nhau. Tiếp cận với kiến thức khoa học, trẻ sẽ sớm hình thành tình yêu cuộc sống một cách tự nhiên và sâu sắc, có điều kiện nuôi dưỡng đam mê riêng và hình thành năng lực, phẩm chất cần có của một công dân thời toàn cầu hóa: Sống hài hòa với môi trường, tiếp cận tốt tri thức nhân loại… Những thứ ấy, nếu không bắt đầu từ thuở bé, e rằng mọi nỗ lực sau này sẽ nặng nhọc hơn.
 
 
Sách khoa học dành cho thiếu nhi chưa được quan tâm. Ảnh: Hải Anh
 
Ở nước ta, NXB dành riêng cho trẻ mang tên “Kim Đồng” cũng từng làm sách khoa học cho thiếu nhi từ quãng năm 1958 với cuốn sách đầu tiên mang tên “Chú chó Laika”. Sau đó, nhiều chuyên gia Việt Nam cũng bắt đầu viết sách khoa học cho đối tượng này với tinh thần “văn học hóa”, tức phổ biến khoa học bằng những câu chuyện kể. Nhiều nhà khoa học Việt Nam nói rằng, họ bắt đầu niềm yêu thích nghiên cứu là từ những cuốn sách kể chuyện về khoa học thuở ấu thơ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sách khoa học do người trong nước thực hiện ngày càng ít đi, còn sách dịch về khoa học dành cho trẻ em cũng thiếu, như sự thiếu hụt chung đối với loại sách cung cấp tri trức nền tảng ở nước ta. Hệ quả là trẻ em ở thời nào cũng thiệt thòi, suy rộng ra là khoa học và nền kinh tế tri thức của chúng ta chịu thiệt thòi.
 
 
Ông Nguyễn Việt Long, (người đầu tiên đưa ra hệ thống tên bằng tiếng Việt về 88 chòm sao trong cuốn “Thiên văn và vũ trụ” – 2004, biên soạn từ tài liệu nước ngoài) chia sẻ với Báo Hànộimới: Sự thiếu hụt kiến thức khiến học sinh của ta, dù học qua trường chuyên cỡ nhất nhì cả nước thì khi ra nước ngoài cũng rất bỡ ngỡ trước những kỹ năng đơn giản ở phòng thí nghiệm. Ngay trên báo chí cũng dùng sai giữa tên khoa học và tên tiếng Anh trong lĩnh vực sinh vật… Còn với triết học, thực ra không phải cao siêu gì nhưng cũng rất thiếu trong vốn kiến thức của học sinh.
 
Còn nhớ, khi cuốn sách triết học dành cho trẻ em của hai tác giả người Pháp mang tên “Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học” xuất hiện bản tiếng Việt vào năm 2011, nó đã trở thành một hiện tượng. Có thể không phải là hiện tượng phát hành như sách văn học, mà là được nhiều phụ huynh Việt Nam ở nước ngoài và cả trong nước đánh giá cao. Tuy nhiên, đó vẫn là của hiếm, bằng chứng là mảng sách dành cho thiếu nhi thường là mảng trống trong các kỳ giải thưởng sách quốc gia hằng năm.
 
 
Tự chủ về tri thức
 
Đó là điều mà TS Giáp Văn Dương (sinh năm 1976, hiện làm việc tại ĐH Liverpool (Anh) và ĐH quốc gia Singapore) mong mỏi khi lập ra dự án sách khoa học cho thiếu nhi, khởi động từ vài tháng nay qua trang web có tên miền: Giapschool.org. Tinh thần chung là bộ sách sẽ giới thiệu, diễn giải, phân tích những công trình khoa học đoạt giải Nobel một cách phù hợp với sự tiếp nhận của bạn đọc trẻ, chủ yếu là lứa tuổi THCS. Như TS Giáp Văn Dương chia sẻ ý tưởng về dự án bắt đầu từ chính những đứa trẻ trong gia đình. Năm 2012, anh về nước tìm mua một loạt sách khoa học cho con, nhưng xem kỹ lại mới thấy giật mình vì đó toàn là sách dịch từ Trung Quốc với những hình ảnh đặc thù của đất nước này. TS Giáp Văn Dương cho rằng, “mình được ăn học, ra nước ngoài, bạn bè trong giới khoa học cũng nhiều, vậy mà không thể tự chủ tri thức cho con em mình thì điều đó thật đáng suy nghĩ”.
 
Đại diện NXB Kim Đồng, đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi cũng phân tích thực trạng sách khoa học do các nhà khoa học, chuyên gia trong nước viết cho thiếu nhi ngày càng ít đi, thậm chí ít đến mức trầm trọng, cho rằng điều đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng là thách thức có từ yêu cầu xuất bản hiện đại: Sách phải có hình ảnh đẹp, thông tin khoa học chính xác, phong phú, cập nhật, mang tính đúc kết… Thực ra, quan điểm đó bộc lộ sự lúng túng của người làm sách Việt Nam bởi trước đây chúng ta chủ yếu phổ biến khoa học cho thiếu nhi theo lối kể chuyện, không chọn lối “chính xác hóa mọi chuyện” như thế này.
 
 
Trao đổi về chủ đề này, đại diện Long Minh – một đơn vị hoạt động mạnh trong lĩnh vực xuất bản sách toán học từ nước ngoài vào Việt Nam cho rằng, cần đề cập tới thái độ, ý thức, trách nhiệm xã hội của nhà khoa học. Như thế thì mới hy vọng có người viết cho thiếu nhi, bên cạnh đó là chính sách đầu tư cho lĩnh vực này.
 
Sách xuất bản trong nước như vậy, đối với sách dịch của nước ngoài, nhiều phụ huynh cho rằng những bộ sách như “Tủ sách kiến thức thế hệ mới” (mua bản quyền của NXB uy tín Dorling Kindersley) đã giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận với một kho tàng kiến thức bổ ích, hiện đại. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn thì ngay cả việc “dịch lại” thôi, ta cũng có phần chịu thiệt thòi bởi sách khoa học cũng có “đời” như ô tô vậy, phải được cập nhật, bổ sung. Nhưng, ở ta thường chỉ có một “đời”, ít khi có được sự cập nhật.
 
 
May mắn là các nhà khoa học cũng nhận ra một điểm mạnh ở việc dịch sách khoa học cho thiếu nhi ở ta, đó là tính chất công phu, nghiêm cẩn, trong đó, đáng kể là chỉ mục (Index) ở cuối sách với hệ thống những từ khóa kèm số trang có đề cập tới những từ này để người đọc dễ tra cứu. Với giới khoa học, đó là yếu tố giúp thực hiện kỹ năng tra cứu, viết thu hoạch đối với bạn đọc nhỏ. Và, “từ những bài thu hoạch nhỏ sau này ta mới hy vọng có những nhà khoa học lớn”.
Thi Thi
(Hà Nội Mới)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *