NHỮNG GÓP Ý CHO VIỆC PHÁT TRIỂN NGÀNH XUẤT BẢN Một chìa khóa quan trọng cho việc hình thành nền kinh tế tri thức

 
Vài năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi Thủ tướng quyết định công nhận Ngày sách Việt Nam là 21/4 hàng năm, giới xuất bản đã nhìn thấy những chuyển biến trong văn hóa đọc, khi thấy thói quen đọc sách trở nên rõ ràng hơn với người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Nhiều trường học phổ thông, trường đại học… và cả các cơ quan, doanh nghiệp, đã bắt đầu quay lại và mở ra thư viện, phòng đọc nhỏ, tặng sách cho nhân viên… Bản thân tôi ngày càng được mời đi nói chuyện nhiều hơn ở các trường, doanh nghiệp, tổ chức. Các hội sách ở các tỉnh thành phố trở nên phong phú, được chính quyền các cấp quan tâm, nhưng ở cấp độ nhỏ hơn, ở các trường, lớp cũng có nhiều… Giới trẻ, người Việt Nam hiểu về giá trị của sách, của tri thức. Trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp và cả người lao động hiểu rằng, họ cần giỏi hơn, trưởng thành hơn, có kiến thức hơn, để có tư duy sáng tạo… thì mới phát triển được doanh nghiệp, hoặc đơn giản là xin được việc làm..
 
 
Thực tế, ngành xuất bản, văn hóa đọc nói chung và sách vở nói riêng có vai trò hết sức quan trọng. Thứ nhất nó giúp phát triển tri thức của dân tộc, đóng góp cho việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức. Thứ hai nó là công cụ để tăng cường giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, qua đó buôn bán, thương mại, du lịch phát triển hơn. Thứ ba nó giúp người dân hiểu biết về văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc, là một công cụ phát triển kỹ năng, kiến thức cho người dân bên cạnh các phương tiện khác như báo chí, truyền hình… Xét riêng về khía cạnh giáo dục, sách vở là phương tiện giáo dục trọn đời, và là một công cụ cực kỳ quan trọng cho giáo dục, khi có thể nhanh chóng chuyển tải đầy đủ các kiến thức, tư duy mới trong khi sách giáo khoa, giáo trình thì chậm hơn, và chỉ cung cấp kiến thức nền tảng.
 
Tôi cho rằng việc phát triển văn hóa đọc và ngành xuất bản không phải chỉ là trách nhiệm và công việc của riêng ngành xuất bản, mà nó cần phải là sự cộng hưởng và trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thậm chí việc phát triển ngành xuất bản chính là việc phát triển tri thức cho cả dân tộc, và cần phải biến nó trở thành một chiến lược cấp quốc gia. Thói quen đọc sách  và việc nâng cao tri thức cho người Việt không chỉ phát triển thông qua các hoạt động hội sách, hội chợ mà cần đi vào chiều sâu nhiều hơn.
 
Tôi đề xuất nên tiến hành một số hoạt động như sau:
 
Thứ nhất: Phát triển và làm mới lại hệ thống thư viện nhưng là các thư viện mở, OPEN Library như của thế giới hiện nay. Cũng giống như sự phát triển của ngành phát hành, trước đây, sách bán ở các cửa hàng “đóng”, được trưng bày cách xa tầm với của độc giả, độc giả muốn mua sách thì chỉ vào sách đó và có người đưa cho để họ chọn. Nhưng hình thức nhà sách như vậy đã quá lỗi thời, các nhà sách bây giờ đều đã chuyển sang hình thức mới là nhà sách tự chọn. Thư viện cũng vậy, cần trở thành nơi đọc sách tự chọn… Khác với thư viện số, thư viện mở sẽ là nơi để độc giả không chỉ đọc sách mà còn giao lưu, trao đổi, hình thành và phát triển thói quen đọc sách… Tại các quốc gia văn minh, các gia đình thỉnh thoảng đi thư viện hoặc học sinh được trường học cho đi thư viện, giống như đi bảo tàng… để làm quen và hình thành dần thói quen đọc sách của trẻ.
 
Thứ hai: hình thành và triển khai các dự án xuất bản lớn, mang tầm vóc Quốc gia… Ví dụ ngoài đề án đổi mới sách giáo khoa, thì còn cần hình thành các dự án phát triển, khôi phục lại lịch sử, văn hóa truyền thống, như dịch và công bố nhiều sách trong kho tàng Hán Nôm, hoặc các sách do người nước ngoài viết về Việt Nam. Hoặc nhanh chóng thay thế, làm mới và xuất bản bộ sách giáo trình hiện đại cho bậc đại học. Phát triển các dự án xuất bản sách phổ biến kiến thức cho trẻ em hoặc sử  dụng hình thức đấu thầu, mua và trang bị sách khoa học cho học sinh phổ thông, giống như chương trình Room To Read đang làm. Tôi rất ngạc nhiên và thất vọng khi thấy cả năm 2014, ngân sách & các dự án sách đặt hàng của nhà nước cho ngành xuất bản chỉ ở con số 40 tỷ. Đây là con số quá nhỏ bé so với yêu cầu…
 
 Thứ ba: Thay đổi cơ chế tiến hành, ví dụ áp dụng các hình thức hợp tác Công ty PPP hay BOT trong các lĩnh vực giao thông, vận tải cho ngành xuất bản. Tức là nhà nước và tư nhân cùng tiến hành các đề án này, theo hình thức tư nhân tự đầu tư nhưng nhà nước mua hàng hóa hoặc nhà nước bỏ tiền đầu tư bản quyền sách giáo trình đại học, rồi cho các công ty tư nhân đấu thầu quyền khai thác & sử dụng. Ví dụ nhà nước bỏ 10 triệu USD để triển khai mua bản quyền, dịch 500 cuốn sách giáo trình đại học hiện đại của thế giới, rồi cho đấu thầu quyền khai thác trong 5 năm… Đơn vị thắng thầu sẽ tìm cách hiệu quả nhất để khai thác, bán sách, họ không thể bán giá quá cao vì không ai mua, nhưng cũng không bán rẻ và sẽ tìm cách hiệu quả nhất đưa sách đến cho người tiêu dùng, ở đây là sinh viên, trường học. Tương tự như vậy, các đề án như xuất bản sách lịch sử văn hóa truyền thống, sách phổ biến kiến thức, khoa học… đều nên tiến hành theo hình thức này…
 
Cuối cùng: Việc phát triển văn hóa đọc, ngành xuất bản không thể tách rời khỏi lĩnh vực giáo dục, bởi thói quen đọc sách phải được hình thành từ thời thơ ấu và phải được nuôi dưỡng suốt quá trình lớn lên và trưởng thành của mỗi người thì văn hóa đọc mới có thể phát triển bền vững trong cộng đồng, giúp hình thành được những lớp công dân ưu tú có kiến thức, có ích cho sự phát triển của đất nước. Theo đó, nó yêu cầu chất lượng cũng như yêu cầu cái tâm thực sự của những người thực hiện trong mọi quá trình từ việc giúp học sinh/ sinh viên hiểu được tầm quan trọng trọng của việc đọc sách; việc chọn sách có chất lượng để xây dựng/ bổ sung vào các thư viện; đến việc tổ chức/ hướng dẫn học sinh/ sinh viên đọc sách, làm báo cáo; đưa ra các đề tài để học sinh phải tự tìm tòi/ học hỏi qua các cuốn sách… Một quốc gia không thể phát triển và vươn lên hàng thứ nhất nếu thiếu đi những người tài; và những người tài cũng không thể hình thành nếu thiếu đi một nền giáo dục và những người thầm lặng: những cuốn sách tốt. q
 
>> NGUYỄN CẢNH BÌNH
 
Giám đốc Công ty Alpha books

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *