Nguy cơ thành nước “nhập siêu” xuất bản phẩm

(HNM) – Năm 2015, Việt Nam phải chi 20 triệu USD để nhập khẩu ấn bản phẩm, trong khi chỉ xuất ra nước ngoài 4,1 triệu USD. Điều này khiến các chuyên gia tham dự hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành 2016 diễn ra ngày 22-3, tại TP Hồ Chí Minh tỏ ra lo ngại, không lâu nữa, Việt Nam sẽ là nước "nhập siêu" về xuất bản phẩm.
 
 
Hoạt động xuất bản Việt Nam chưa thoát khỏi suy thoái.
Nhà xuất bản "nội" thoi thóp 
 
Trong năm 2015, các nhà xuất bản (NXB) ở Việt Nam hoạt động rất cầm chừng, chỉ có một số NXB báo cáo có lãi là: NXB Trẻ, NXB Chính trị – Quốc gia – Sự thật, NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục Việt Nam. Một số đơn vị khác không báo lãi như: NXB Quân đội nhân dân, NXB Tư pháp, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, NXB Thông tin và Truyền thông. Các đơn vị xuất bản như: NXB Hàng hải, NXB Đại học Cần Thơ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân đang phải bù lỗ ở mức dưới 1 tỷ đồng.
 
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thừa nhận: Xuất bản Việt Nam chưa thoát khỏi được suy thoái. Hiện Việt Nam có 60 NXB hoạt động, nhưng có đến 29 đơn vị chưa được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp đổi giấy phép hoạt động do chưa đủ nguồn kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động như: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, NXB Công thương, NXB Tài chính, NXB Nông nghiệp, NXB Văn học, NXB Lý luận chính trị…
 
Ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc NXB Văn học bày tỏ nỗi lo: "Đơn vị đang phải đối mặt muôn vàn khó khăn. Sắp tới chúng tôi phải thực hiện tăng mức lương tối thiểu và tăng mức nộp bảo hiểm xã hội theo quy định nhà nước. Khi đó quỹ lương, quỹ đóng bảo hiểm sẽ tăng lên 1/3. Chúng tôi rất mong xin được quy chế đặc thù để có thể duy trì hoạt động".
 
Nỗi lo sách nhập khẩu 
 
Trong hoàn cảnh gặp khó khăn kinh tế, các NXB Việt Nam đã tìm cách nhập khẩu xuất bản phẩm từ nước ngoài về để kinh doanh. Năm 2015, nhập khẩu xuất bản phẩm tăng 10% so với năm 2014, với số lượng 60 triệu bản sách, 8,5 triệu tờ báo, tạp chí nhập vào Việt Nam. Trong đó loại sách giáo dục chiếm hơn 50%, số còn lại sách tài liệu về kinh tế, y học, khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật. 
 
Sự mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu sẽ dẫn đến các điểm bất cập mà các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản lo ngại. Xu hướng đọc hiện nay của bạn bè thế giới muốn tìm kiếm sách về văn hóa, sách giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam có gì độc đáo, hấp dẫn, muốn tìm hiểu ẩm thực Việt nhưng hầu như họ không thể tìm kiếm sách ở thị trường nước ngoài. Trong cuộc trao đổi với Hội Xuất bản Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN, bà Nova Rasdiana đã phải thốt lên: "Trước khi qua Việt Nam, tôi đã lục tung các thư viện tại Indonesia để tìm các cuốn sách viết về đất nước các bạn. Tuy nhiên, tôi chỉ tìm được 5 cuốn do tác giả nước ngoài viết mà không có sách của tác giả Việt. Nội dung sách phản ánh chủ yếu chiến tranh ở Việt Nam. Không có một cuốn sách nào phản ánh về tình hình kinh tế – văn hóa – đời sống Việt Nam hiện tại". Theo bà Nova Rasdiana thì đây là một điều đáng tiếc cho Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, vấn đề nhập khẩu, dịch sách còn dấy lên một nỗi lo ngại về việc thiếu cân đối trầm trọng trong làm sách. Chúng ta có 90 triệu dân, mỗi năm có hơn một triệu trẻ em ra đời, thế nhưng 50% sách giáo dục trẻ em lại đang phải nhập khẩu. Chính các đại diện NXB cũng phải thốt lên trong hội nghị "Bây giờ không còn ai làm sách cho trẻ em".
 
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã đề xuất Bộ Thông tin – Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các ban, ngành phải tìm giải pháp hỗ trợ ngành xuất bản. Theo ông Kiểm, Nhà nước cần khuyến khích hệ thống xuất bản làm tốt nhiệm vụ chính trị trong nước và hỗ trợ công tác xuất bản sách ra nước ngoài.
Tuệ Diễm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *