Nâng cao năng lực quản lý phương tiện giao thông vận tải tại Việt Nam

 
Chiều 09/12, Viện Ứng dụng Công nghệ đã phối hợp với Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực quản lý phương tiện giao thông vận tải tại Việt Nam”.
 
 
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu về công nghệ quản lý phương tiện vận tải và đại diện Lãnh đạo một số công ty, tổ chức của Nhật Bản. 
 
Hội thảo là cơ hội tốt để các nhà khoa học, nhà quản lý, các công ty trong lĩnh vực vận tải và các bên liên quan có thể trao đổi về nhu cầu thực tế và các ý kiến để gửi đến cơ quan quản lý nhằm nâng cao cải thiện mô hình quản lý phương tiện vận tải tại Việt Nam hiện nay.
 
Bên cạnh đó, những ứng dụng KH&CN sẽ giúp cho cơ quan quản lý, chủ phương tiện biết tình trạng kỹ thuật vận hành của phương tiện tại mọi thời điểm khác nhau để bảo trì, bảo dưỡng phương tiện. Đồng thời giúp cho cơ quan chức năng biết chính xác được hiện trạng vận hành và điều khiển phương tiện mỗi thời điểm có đúng quy trình trong Luật Giao thông đường bộ hay không, đặc biệt là tại thời điểm xảy ra tai nạn.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, với sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị, xã hội, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Mỗi năm, TNGT vẫn cướp đi sinh mạng của gần 9 ngàn người và làm thiệt hại kinh tế tới 2,5% GDP.
 
“Chúng ta cần xây dựng những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát phương tiện giao thông, có những biện pháp răn đe thích đáng đối với người điều khiển nhằm giảm thiểu TNGT. Những nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học sẽ được áp dụng hiệu quả để giảm thiểu nhanh chóng TNGT ở Việt Nam, đem đến sự bình an, hạnh phúc cho đất nước”, PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ.
 
GS. Takashi Oguchi, Đại học Tổng hợp Tokyo chia sẻ, với nền tảng vững chắc của Trường Đại học GTVT và Viện Ứng dụng Công nghệ trong công tác triển khai ứng dụng các công nghệ mới cùng kinh nghiệm và các công nghệ của Công ty TRIC, Công ty Techtom, Nhật Bản sẽ hợp tác nghiên cứu, đưa ra những giải pháp phù hợp với nhằm nâng cao năng lực vận hành và quản lý phương tiện GTVT tại Việt Nam.
 
GS.TS Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết, thực tiễn việc áp dụng hàng loạt các công nghệ hiện đại trong quản lý lĩnh vực GTVT những năm gần đây đã phát huy được hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi khai thác các hệ thống vẫn còn tồn tại những bất cập và các vấn đề khác nhau. Đặc biệt là trong quá trình tích hợp dữ liệu, phân tích dữ liệu và trao đổi giữa các bên trong quá trình vận hành hệ thống. Dữ liệu thu thập được cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm về độ chính xác, tính đầy đủ, tính cập nhật theo đòi hỏi của quy chuẩn và hệ thống quy định pháp luật Việt Nam.
 
 
 
“Viện Ứng dụng Công nghệ là một trong những Viện hàng đầu Việt Nam trong triển khai ứng dụng các công nghệ mới. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Viện Ứng dụng Công nghệ đã có rất nhiều đóng góp với nhiều sản phẩm thương mại và nhiều công nghệ cấu thành nên hệ thống giao thông thông minh. Dựa trên nền tảng vững chắc đó, Viện Ứng dụng Công nghệ tin tưởng rằng có thể hợp tác nghiên cứu với Nhật Bản đưa ra những giải pháp hiện đại, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực vận hành và quản lý phương tiện GTVT tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức là nền tảng ban đầu, là bước khởi động cụ thể cho quá trình hợp tác về sau. Sự hợp tác này cũng là minh chứng cho tình hữu nghị giữa 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản”, GS.TS Lê Hùng Lân bày tỏ.
 
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo tham luận và trao đổi về một số vấn đề chính của GTVT Việt Nam gồm: Thực trạng quản lý phương tiện giao thông tại Việt Nam; hiện trạng sử dụng hộp đen để điều hành phương tiện giao thông tại Việt Nam; phương pháp sử dụng Wifi Scaner theo dấu phương tiện GTVT; báo cáo thử nghiệm thí điểm dịch vụ Telematic giải quyết các vấn đề giao thông còn tồn tại Việt Nam; sử dụng dữ liệu Probe Data trên xe để quản lý phương tiện GTVT; nhu cầu của các đơn vị vận tải tại Việt Nam.
 
Nguồn:  Viện Ứng dụng công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *