IPP2 hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Huế

 
Ngày 27/3/2018, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao chứng chỉ cho 34 học viên hoàn thành Khóa đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ToT2-Huế). Đây là khóa đào tạo cuối cùng được IPP2 hỗ trợ trong chuỗi các hoạt động liên kết nhân rộng mô hình đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Chương trình. Học viên khóa ToT2-Huế đến từ 14 trường đại học, cao đẳng ở cả 3 miền trong cả nước, chủ yếu là khu vực miền Trung.
Khóa đào tạo được tổ chức tại Trung tâm Sáng tạo mới khai trương của Huế IC
Với nỗ lực phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững cho Việt Nam, IPP2 đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. Với 5 khóa đào tạo dành cho giảng viên các trường đại học được tổ chức liên tục từ năm 2016 tới nay, IPP2 đã hỗ trợ đào tạo hơn 150 giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ 50 trường đại học, cao đẳng và tổ chức giáo dục trên toàn quốc. Các khóa đào tạo được thực hiện trên cơ sở Chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do IPP2 phát triển cũng như một số chương trình liên quan đã từng triển khai tại Phần Lan và Hoa Kỳ với trọng tâm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương pháp giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
 
Khoá ToT2-Huế gồm 8 ngày đào tạo tập trung (Bootcamp) diễn ra từ ngày 19 đến ngày 27 tháng 3 năm 2018 tại Trung tâm Sáng tạo tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Tham gia giảng dạy cho khoá đào tạo là 3 giảng viên quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, trong 8 ngày Bootcamp còn có nhiều diễn giả khách mời là doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tới chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cùng các học viên.
 
Sau khi hoàn thành Bootcamp, các học viên khóa ToT2 Huế sẽ được hỗ trợ trong vòng 2 tháng để có thể thực hành xây dựng và triển khai chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho riêng đơn vị mình dưới nhiều hình thức, phù hợp với định hướng và điều kiện của từng đơn vị. Họ sẽ là những hạt nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của IPP2 được thực hiện trong năm 2016, với sự tham gia của 11 trường đại học lớn của Việt Nam, trong đó Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là trường cao đẳng duy nhất được lựa chọn cùng với các trường đại học lớn khác như Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh,… Với quyết tâm chính trị và sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, với tâm huyết, trách nhiệm và năng lực thực sự của nhóm giảng viên tham gia các hoạt động hợp tác với IPP2, Trường Cao đẳng công nghiệp Huế trên thực tế là một lựa chọn thành công của Chương trình. Bài học đối với IPP2 là, ở bất kỳ công việc nào trên con đường phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất.
 
Năm 2018, Chương trình IPP2 tiếp tục đồng hành với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế như một trong các đối tác tiềm năng ở Việt Nam để nhân rộng mô hình đào tạo giảng viên về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trước đó, IPP2 đã phối hợp với Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức khóa nhân rộng đầu tiên dành cho các giảng viên đến từ trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; khóa thứ hai phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Ngoại thương dành cho các trường khu vực phía Bắc; khóa thứ ba kết hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) dành cho các đại học trên địa bàn Đà Nẵng. Với Trường Cao đẳng công nghiệp Huế, đây là khóa đào tạo thứ tư cũng là khóa cuối cùng trong năm 2018 dựa trên mô hình đào tạo và sự trợ giúp của IPP2 về giảng viên quốc tế đến từ Phần Lan và Hoa Kỳ. Đây là bước chuẩn bị có ý nghĩa của IPP2 hướng tới sự bền vững trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của các trường, vì trong tương lai gần, các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đều có trách nhiệm triển khai Chương trình 1665 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2017.
 
 
 
Danh sách các trường tham gia Khóa ToT2 Huế 2017
 
Trường Đại học Cần Thơ
 
Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh
 
Trường Đại học Nha Trang
 
Trường Đại học Đà Lạt
 
Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
 
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
 
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế
 
Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung
 
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế
 
Trường Cao đẳng Giao thông Huế
 
Trường Cao đẳng Du lịch Huế
 
Trường Cao đằng Sư phạm Thừa Thiên Huế
 
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang
 
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị
 
Nguồn: IPP2 – HueIC


Nguồn: IPP2 – HueIC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *