Dinh dưỡng : Quá nhiều thông tin không chính xác

 
 
Ở Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống luôn thu hút được sự quan tâm của mọi đối tượng, từ phụ nữ muốn có vóc dáng đẹp, người mẹ sắp mang thai, gia đình nuôi con nhỏ đến những người trung niên lo lắng về vấn đề huyết áp, tim mạch… Tuy nhiên, đi cùng với xu hướng đó, một tình trạng khá phổ biến đang xảy ra là sự bùng nổ về các thông tin dinh dưỡng không chính xác, được củng cố bởi tâm lý đám đông và những kẻ trục lợi.
Do nhận thức về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe được nâng cao, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng tự chăm sóc sức khỏe của bản thân. Xu hướng này đẩy mạnh vai trò của thông tin dinh dưỡng đối với cuộc sống của mỗi người. Nhưng nó cũng làm cho con người dễ bị thiệt hại hơn cả về sức khỏe cũng như kinh tế bởi những thông tin sai lệch về dinh dưỡng. Vấn đề này càng cần được quan tâm hơn khi dân số già đi và xã hội ngày càng tăng mức chi tiêu cho mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, cũng như cho giải pháp giảm cân, làm đẹp, với mong muốn cải thiện sức khỏe của bản thân và gia đình. 
 
Sự bùng nổ về nhu cầu của người dân đối với dinh dưỡng và sức khỏe là điều kiện để ngành công nghiệp này nở rộ ở Việt Nam. Hàng trăm, hàng ngàn công ty, loại sản phẩm có mặt trên thị trường, cả nội địa và nhập ngoại. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh này khiến cho việc thiết kế các điều luật, quy trình kiểm soát không theo kịp, khiến cho người tiêu dùng dễ bị lẫn lộn giữa hàng thật và hàng giả, giữa sản phẩm tốt thực sự và sản phẩm gây hại cho sức khỏe. Trong bối cảnh đó, họ càng dễ đưa ra những lựa chọn dinh dưỡng sai lầm bởi tình trạng tràn lan các thông tin dinh dưỡng sai lệch hoặc thiếu kiểm chứng, được tạo ra bởi ý kiến chủ quan của những người tự cho mình là chuyên gia, hoặc những người có mục đích thương mại đằng sau.
 
Tự cho mình là chuyên gia do hiệu ứng Dunning-Kruger và niềm tin theo thói quen
 
Dạo quanh một số diễn đàn, trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy dinh dưỡng là đề tài thảo luận của rất nhiều thành viên, nhưng điều nghịch lý là những ý kiến tự tin nhất lại thường không đến từ những chuyên gia dinh dưỡng, sức khỏe thực thụ, mà đến từ những ai đó chỉ dựa theo những quan niệm hay nguồn thông tin chưa đầy đủ. 
 
Nguyên nhân của tình trạng này chính là hiệu ứng Dunning-Kruger hay là sự thiên vị về nhận thức khiến người có hiểu biết ít trong một vấn đề hay ngành học thì hay đánh giá quá cao khả năng của mình, trong khi hầu hết các chuyên gia lại có xu hướng đánh giá thấp bản thân. Cụ thể là với lĩnh vực dinh dưỡng, những người càng đi sâu nghiên cứu thì càng trở nên khiêm tốn, ít khi đưa ra những khẳng định tuyệt đối, bởi họ nhận ra rằng trong thực tế, những điều chúng ta biết được chắc chắn là rất ít. Chẳng hạn trước đây các nhà khoa học tưởng như đã hiểu rất rõ quá trình tiêu hóa và vai trò của từng chất dinh dưỡng đa lượng như đạm, đường, chất béo, nhưng đến thời điểm hiện nay thì ảnh hưởng của những chất này đối với từng bệnh khác nhau vẫn còn đang tiếp tục được nghiên cứu để có thể khẳng định thực sự trên người. Vì vậy, những chuyên gia thực sự thường dè dặt trong phát ngôn, và do không tập trung vào việc tiếp thị bản thân nên ý kiến của họ nhiều khi thiếu sức ảnh hưởng với công chúng. 
 
Hiệu ứng Dunning-Kruger càng trở nên mạnh mẽ hơn khi kết hợp cùng hiệu ứng đám đông. “Nếu nhiều người nghĩ như tôi, chắc hẳn đó phải là sự thật”. Điều này được gọi là sự mong muốn đồng thuận: một ý tưởng trở thành sự thật với một số người chỉ vì nó được chia sẻ và lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong một số cộng đồng trên internet, việc tập hợp một số lượng người trong thế giới ảo có chung một suy nghĩ tạo ra sức mạnh cho suy nghĩ đó trong những người chia sẻ nó. Vì vậy, mới tồn tại những cộng đồng tin hoàn toàn theo một chế độ ăn “thần thánh”, không cân bằng và không được chứng minh bởi khoa học, vì lí do đơn giản rằng những người trong diễn đàn, fanpage đó đều chung suy nghĩ như vậy.
 
Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn tới những ý kiến chủ quan về dinh dưỡng là niềm tin tạo ra bởi thói quen và sự bảo vệ niềm tin của cá nhân một cách thiên vị. Đối với thực phẩm, khẩu vị và thói quen của chúng ta được tạo nên từ khi còn bé, bị tác động môi trường xung quanh và lối sống hằng ngày… Chúng ta không thực sự quyết định những gì chúng ta thích ăn uống mà ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thói quen. Có không ít những phản bác được đưa ra kiểu như “Chúng tôi luôn luôn ăn/làm như thế” hoặc “làm như thế chẳng thấy gây chết ai bao giờ”.
 
Ngoài ra, khi một người thấy rằng niềm tin của họ bị đặt câu hỏi, thì người đó sẽ phản ứng dữ dội để loại bỏ lý do đe doạ và càng thu mình lại trong những niềm tin của bản thân. Những nhà nghiên cứu đều cho rằng hiện tượng này là một điểm yếu của nhận thức hay một số gọi nó là “sự thiên vị xác nhận” (confirmation bias). Đây là một sự thiên vị nhận thức rất phổ biến, trong đó con người có xu hướng chỉ ghi nhận, tiếp thu hay đánh giá cao những thông tin, lí do mà ủng hộ cho ý kiến cá nhân, và cùng lúc gạt bỏ đi những thông tin, lí do đi ngược lại niềm tin bản thân. Nó như một dạng trí nhớ chọn lọc thông tin (chúng ta chỉ lưu lại những gì chúng ta muốn), kết hợp với một sự giải thích thiên vị (nếu thông tin theo chiều hướng như những gì ta nghĩ thì chắc chắn đó là một thông tin tốt, nếu không chắc chắn thông tin đó là sai). 
 
Cố tình thông tin không chính xác để trục lợi
 
Người tiêu dùng thường dễ bị hấp dẫn bởi những phương pháp, sản phẩm nói rằng sẽ có được kết quả lớn chỉ với nỗ lực nhỏ và trong thời gian ngắn. Những công cụ marketing hay những tuyên bố kiểu “nửa sự thật” dưới danh nghĩa khoa học thường dựa vào tâm lý đó để đánh lừa người tiêu dùng. Lợi dụng mong muốn có được những thông tin dinh dưỡng hữu dụng của mọi người, những người tự xưng là “chuyên gia” sẽ có những tuyên bố theo kiểu “sống khỏe mạnh không hề khó, chỉ cần làm điều này/ăn thực phẩm này/theo lời chỉ dẫn của tôi, mua quyển sách của tôi”. Họ dựa vào đó để bán cho chúng ta các loại sản phẩm từ thực phẩm tự chế, nước ép đến các viên thực phẩm chức năng. Những “chuyên gia” này chỉ đơn giản là muốn kiếm lợi, hoặc đôi khi cũng tin rằng họ đang làm điều tốt cho người khác. Trên thực tế, những lời khuyên này chỉ đề cập đến một phần của vấn đề hoặc hầu như không hề dựa trên các kết quả khoa học xác thực, cập nhật nhất.
 
Những thông tin kiểu này dễ dàng tiếp cận với người nghe, người tin vào nó còn do tình trạng hoài nghi cao và dễ dàng tin những điều không tốt về thực phẩm, dinh dưỡng. Một số người quá dễ dàng tin vào những điều không tốt trong thực phẩm được nghe, được kể lại dù những điều này chưa hề được chứng minh bởi nghiên cứu khoa học hay khẳng định bởi bất cứ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nào. 
 
Rất nhiều scandal về an toàn thực phẩm và sự lừa đảo tràn lan của không ít những người bán thực phẩm chức năng khiến chúng ta hình thành trong đầu một tư tưởng “nhìn đâu cũng thấy sâu”. Điều này phần nào cũng có ích vì chúng ta cẩn thận hơn trước mọi quyết định liên quan đến ăn uống, dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng có một số cá nhân hay tổ chức lợi dụng điều này để giật tít, gây hoang mang trong dân chúng rồi cùng lúc đưa ra các giải pháp, sản phẩm thương mại mà thực chất cũng không tốt đẹp như họ quảng bá. Người tiêu dùng nếu vội vã tin dùng các sản phẩm này có thể gặp hậu quả như chế độ ăn uống mất cân bằng gây ra những bệnh rối loạn chuyển hóa và những tổn hại khác cho sức khoẻ. Ví dụ cụ thể như các loại thức uống detox được quảng cáo tốt hơn và an toàn hơn các viên giảm cân (trên thực tế, các viên giảm cân không phải loại nào cũng hiệu quả và an toàn, đó là nguyên nhân khiến người tiêu dùng nghi ngờ và dễ dàng tin vào một giải pháp khác tưởng như an toàn hơn), làm cho người tiêu dùng không hiểu đúng, chỉ dùng thức uống này thay cho bữa ăn. Điều này khiến cho cơ thể thiếu chất đạm, thiếu năng lượng, làm đường huyết không ổn định, giảm sức đề kháng. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có bất kì nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên nào được tiến hành để kiểm tra tính hiệu quả của chế độ detox trên cơ thể người, tuy rằng nó là cần thiết để người tiêu dùng được biết đến tiềm năng tốt hay xấu của những chế độ giảm cân như thế này.
 
Những hậu quả của thông tin sai 
 
Thông tin dinh dưỡng sai lệch có thể khiến người sử dụng không ý thức được những thành phần độc hại ẩn chứa trong thực phẩm, sử dụng sai cách hay nghiêm trọng hơn là gây tác động tiêu cực đến quá trình điều trị bệnh. Những hậu quả này không chỉ dừng lại ở người trực tiếp tiếp nhận thông tin mà còn có thể lan toả đến người xung quanh và cả cộng đồng qua quá trình trao đổi thông tin và sinh hoạt ăn uống tập thể.
 
Những hậu quả kinh tế liên quan đến thông tin sai lệch cũng không hề nhỏ: từ việc chữa trị bệnh tật gây ra do hiểu sai về dinh dưỡng, đến chi phí tìm ra liệu pháp thay thế/kéo dài cách điều trị cũ do tác động của nguồn thực phẩm độc hại, chi phí cho quá trình điều tra sự thật của cơ quan chính quyền, phí tổn thu hồi sản phẩm gây hại cho sức khoẻ.
 
Những thông tin dinh dưỡng sai lệch còn khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào nhiều loại sản phẩm cho dù không độc hại. Họ cũng nảy sinh nghi ngờ với những công bố khoa học mới. Đáng sợ nhất là điều đó sẽ làm xuất hiện tư tưởng phó mặc không quan tâm đến dinh dưỡng vì hoang mang bởi thông tin.
 
Thông tin dinh dưỡng chuẩn và ba dạng thông tin sai lệch
 
Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được rõ ràng giữa thông tin dinh dưỡng đúng đắn và thông tin không chính xác, hoặc xác định đâu là thông tin dinh dưỡng chuẩn, có độ xác thực cao, ngay cả đối với những người có kiến thức khoa học. 
 
Thông tin đúng đắn về dinh dưỡng là những nghiên cứu khoa học đã trải qua sự xem xét, đánh giá của hội đồng, chuyên gia một cách khách quan. Thông tin dinh dưỡng chuẩn là những thông tin có độ xác thực cao, dựa trên những quan sát theo thời gian, nghiên cứu trên cơ thể người với số lượng đáng tin cậy, cũng như có những phân tích tổng hợp. 
 
Thông tin sai lệch về dinh dưỡng là thông tin khoa học sai sót hoặc không đầy đủ. Những thông tin này được tạo ra do những mục đích xấu hay để phục vụ mục đích chủ quan (bán sản phẩm, gây sự chú ý của công chúng). Chúng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và kinh tế của người tiêu dùng. 
 
Thông tin sai lệch gồm ba dạng: thông tin chạy theo mốt, gian lận y tế, và những tuyên bố sức khỏe gây hiểu lầm. 
* Thông tin chạy theo mốt: là những thông tin về niềm tin không được kiểm chứng, xác thực và thường thái quá cho rằng việc ăn hay không ăn một vài loại thực phẩm, sản phẩm bổ sung có thể chữa bệnh, hay giúp giảm cân nhanh chóng. Những người tuyên truyền cho những dạng thông tin như thế này có thể chính là những nạn nhân của thông tin, công bố sức khỏe sai lệch, hoặc có thể tin một cách ngờ nghệch rằng họ đang mang đến cho người khác thông tin chính xác.
 
* Gian lận y tế: là những thông tin cũng có những điểm chung với thông tin chạy theo mốt, trừ một điểm là nó được làm ra do cố ý và vì mục đích lợi nhuận. Gian lận y tế là sự cổ vũ vì mục đích lợi nhuận cho một phương thuốc không có tác dụng hoặc chưa từng được chứng minh có tác dụng, nhưng lại được quảng cáo là cải thiện sức khỏe, vóc dáng.
 
* Cuối cùng, tuyên bố sức khỏe gây hiểu lầm khiến cho người tiêu dùng có những suy luận, khái quát hóa sai lầm về  ảnh hưởng của thực phẩm với sức khỏe. Ví dụ như một sản phẩm được quảng cáo, tuyên bố là “ít đường” nhưng lại chứa nhiều chất béo, hay sản phẩm thanh ngũ cốc được quảng cáo là “hạt đầy đủ vỏ” (chứa nhiều chất xơ hơn hạt thường) nhưng trên thực tế lại chứa rất ít vitamin, khoáng chất mà lại có lượng calo cao. Trong những trường hợp này, các tuyên bố gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và khiến họ tin rằng sản phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe hơn so với thực tế.
 
Lê Đoàn Thanh Lâm
 
Theo: tiasang.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *