Điểm tin KH&CN từ ngày 29/8-5/9

 
Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
 
Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KHCN; TP Hồ Chí Minh cần nâng mức chi cho KH-CN lên 4%; Phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh hàng đóng gói sẵn;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KHCN
 
Ngày 29.8, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
 
Tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, 5 năm qua, Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công nhân và người lao động trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra đều cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2015 – 2020, Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ, tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế và chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; … 
 
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015 – 2020 gồm 27 đồng chí và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. (Theo Đại biểu nhân dân 29/8).
 
TP Hồ Chí Minh cần nâng mức chi cho KH-CN lên 4%
 
Ngày 30/8, Đoàn giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu, đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ.
 
 
 
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc tại khu công nghệ cao TP HCM
 
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả bước đầu mà TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong phát triển khoa học công nghệ tại địa phương thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo và đột phá như áp dụng mô hình vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ,….  Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, là một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước, TP Hồ Chí Minh cần chi đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ. Hiện nay, mức 2,06% ngân sách hằng năm là trên mức quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, nhưng vẫn chưa cao. Cần nâng mức chi hàng năm lên khoảng 4% ngân sách, mới đáp ứng được nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. (Theo Công an nhân dân 30/8).
 
Phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh hàng đóng gói sẵn
 
Ngày 01/9/2015, Thanh tra Bộ KH&CN cũng có văn bản số 434/TTra-P4 gửi Sở KH&CN các tỉnh/thành phố đề nghị tiếp tục triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2015 đối với hàng đóng gói sẵn theo đúng nội dung và tiến độ đã được Bộ KH&CN chỉ đạo tại Công văn số 908/BKHCN-TTra ngày 30/3/2015.  
 
Qua quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra tại 1059 cơ sở, Thanh tra các Sở KH&CN đã phát hiện 220 cơ sở vi phạm (chiếm 20,7% số cơ sở thanh tra), xử phạt vi phạm hành chính 364.400.000 đồng, truy thu số tiền 19.718.783 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện như: Không ghi lượng hàng đóng gói sẵn, ghi không đúng đơn vị đo pháp định, giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép, số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá giá trị cho phép… 
 
Thanh tra Bộ KH&CN đề nghị các Sở KH&CN còn lại cần khẩn trương triển khai thanh tra và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ KH&CN theo để theo dõi, tổng hợp và kịp thời thông tin tới công chúng. (Theo vietq 4/9).
 
Sáng tạo trẻ: Từ chuyện cây chùm ngây…
 
Võ Thị Trúc Ly và Cao Tiến Trung, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định đã dùng hạt chùm ngây để xử lý nước lũ thành nước sinh hoạt. 
 
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hạt chùm ngây để xử lý nước lũ thành nước sinh hoạt” của hai học sinh trên đã được giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2015 (khu vực phía nam).
 
 
Hạt cây chùm ngây có tác dụng lọc nước lũ
 
Các hạt chùm ngây có chất lượng tốt được chọn ra, thu lấy nhân bên trong hạt, sấy nhẹ ở 40 – 70 độ C trong 24 giờ rồi đem nghiền nhỏ. Nhân hạt chùm ngây sau khi được xay nhỏ thành bột mịn dùng làm chất keo tụ trong nghiên cứu. Mẫu nước lũ được lấy ở 3 con sông: Lại, Tuy Phước và Hà Thanh. Nước lũ được cho qua lớp keo tụ là nhân hạt chùm ngây xay nhuyễn, lắng nước rồi lọc ra. Theo kết quả phân tích, mẫu nước sau khi lọc đã xử lý được gần như triệt để hàm lượng COD, Fe, Mn. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu từ hạt chùm ngây còn xác định được hàm lượng vi khuẩn Ecoli và Colifom trong mẫu nước lũ trước khi xử lý và có thể kháng khuẩn triệt để. (Theo Thanh niên 3/9).
 
Nam sinh cấp 3 chế tạo thành công ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời
 
Với mong muốn sở hữu một chiếc ô tô do chính tay mình tạo ra, sau một thời gian mày mò nghiên cứu, cậu học trò Đoàn Quang Hưởng ở xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã chế tạo thành công chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời.
 
Sau hơn 4 tháng cần mẫn, không nản lòng, Hưởng đã chế tạo thành công chiếc xe ô tô không xả khói bụi ra môi trường.
 
Chiếc xe hoàn thiện có chiều dài 1,8m, chiều rộng 1,2m, chiều cao 1,5m, trọng lượng xe 190kg. Xe có một chỗ ngồi và một thùng để đồ, vận tốc tối đa xe đạt được là 30km/h. Hiện nay, chiếc xe được sử dụng để đi lại trong làng xã, đưa đón các em nhỏ đi học ở xa, giúp bố mẹ vận chuyển hàng hóa.
 
Nguyên liệu để Hưởng làm nên chiếc ô tô này hầu hết là tận dụng từ những đồ phế thải có thể dùng được để lắp ráp. 4 bánh xe được lấy từ chiếc xe máy Attila của nhà bị hỏng; bình ắc quy, xi-nhan được lấy từ xe máy điện cũ của anh trai. Các phụ kiện khác như pin mặt trời và những bộ phận quan trọng để đạt được chất lượng tốt nhất cho xe thì em mua để lắp ráp…(Theo Dân trí 29/8).
 
 
Hà Trang (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *