Cuộc họp lần thứ 53 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN

 
Cuộc họp lần thứ 53 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC) do Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đăng cai tổ chức, kéo dài từ ngày 17/7 tới 21/7/2017. Ngoài những cuộc họp song phương, đa phương, nhiều sự kiện bên lề cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây là cuộc họp được tổ chức định kỳ 3 lần mỗi năm.
 
Toàn cảnh Cuộc họp lần thứ 53 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN
 
Mục tiêu hợp tác ASEAN về Sở hữu trí tuệ (SHTT) là nhằm bảo đảm việc bảo vệ quyền SHTT một cách thỏa đáng và hiệu quả trong khu vực ASEAN thông qua các chương trình và các hoạt động hợp tác cụ thể, bao gồm việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như xây dựng năng lực của hệ thống SHTT quốc gia của các nước ASEAN. Trong suốt những năm qua, hợp tác ASEAN về SHTT đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua hoạt động của Nhóm AWGIPC, các cơ quan SHTT đã thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiểu biết lẫn nhau. Các nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng chính sách pháp luật, quản lý và thực thi quyền SHTT. Nhiều chương trình, dự án đã được đề xuất, thực hiện và mang lại hiệu quả quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống SHTT các nước ASEAN nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Trong thời gian qua, có một số Chương trình, Kế hoạch hợp tác ASEAN trong lĩnh vực SHTT đã và đang triển khai như: Chương trình Hành động giai đoạn 1996-1998; Ch­ương trình Hành động Hà Nội (phần về SHTT) giai đoạn 1998-2004; Chương trình Hành động Viên Chăn (phần về SHTT) giai đoạn 2004-2010; Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (ASEAN Blueprint 2015); và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (ASEAN  Blueprint 2025).
Các Chương trình, Kế hoạch này đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cho từng giai đoạn phát triển trong lĩnh vực SHTT của các nước ASEAN. Các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đó bao gồm: hoàn thiện khung pháp luật; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức công chúng; trao đổi thông tin, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề chuyên môn; tăng cường mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký và thực thi quyền; tham gia các điều ước quốc tế về SHTT liên quan đến thủ tục đăng ký quốc tế các quyền SHTT như Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế (PCT) nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đối tác của ASEAN về SHTT, như Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ôxtrâylia… và hợp tác chặt chẽ trong việc đàm phán nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ôxtrâylia-Niudilân,…
Cuộc họp AWGIPC 53 lần này sẽ tập trung vào các vấn đề triển khai: Chương trình hành động của ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025 và các hoạt động hợp tác về SHTT giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN (AANZFTA, WIPO, Cơ quan Sáng chế châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản,…).
Bên lề Cuộc họp AWGIPC 53, còn diễn ra một số sự kiện như: Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại tỉnh Quảng Ninh do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh tổ chức nhằm triển khai các Sáng kiến về chỉ dẫn địa lý thuộc Chương trình hành động của ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025.
Cuộc họp lần thứ 9 Tiểu ban Sở hữu trí tuệ Hiệp định Tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (IPC9), đây là Cuộc họp thường niên được tổ chức mỗi năm một lần liền kề với Cuộc họp AWGIPC thứ 2 trong năm nhằm rà soát việc thực hiện nghĩa vụ của các Bên theo Điều 5 (quyền tác giả), Điều 9.7 (tham gia các điều ước quốc tế về SHTT) của Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) cũng như triển khai các dự án về SHTT đã được Tiểu ban Ngân sách kinh tế thuộc AANZFTA (ECWP) thông qua.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết: Việt Nam đăng cai Cuộc họp AWGIPC lần này trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội. Được thành lập ngày 8/8/1967 trên cơ sở của Tuyên bố Bangkok với 5 nước thành viên ban đầu, sau 5 thập kỷ xây dựng và phát triển, đến nay ASEAN bao gồm 10 nước thành viên đã có sự thay đổi rất lớn.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định: Đóng góp không nhỏ cho sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, các nước thành viên đã hợp tác chặt chẽ và tích cực trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, thông qua Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu các nước ASEAN (AWGIPC), triển khai thành công các Chương trình hành động của ASEAN về Sở hữu trí tuệ qua các giai đoạn nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015.Trong thập kỷ tới, để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 và đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, AWGIPC đã hoàn tất việc xây dựng và bắt đầu triển khai Chương trình hành động của ASEAN về Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016 – 2025.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh bày tỏ sự tin tưởng Cuộc họp lần thứ 53 của AWGIPC sẽ thành công tốt đẹp; Chương trình hành động của ASEAN về Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016 – 2025 sẽ được triển khai một cách hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực và nâng cao hơn nữa vị thế của ASEAN trên thế giới.
Bà Dede Mia Yusanti – Chủ tọa cuộc họp AWGIPC 53 – phát biểu : Ngày hôm nay chúng ta tổ chức họp tại đây để thực hiện những cam kết về việc sử dụng SHTT để thúc đẩy quá trình sáng tạo trong khu vực. Mỗi lần gặp, chúng ta đều nhớ rằng việc hợp tác giữa các nước trong ASEAN là cách duy nhất để các nước trong khu vực có thể đạt được những mục tiêu đặt ra.
Trong cuộc họp lần này cũng đã diễn ra Lễ khởi động ASEAN PatentScope – một công cụ tra cứu và là cơ sở dữ liệu về sáng chế của các nước ASEAN. Thông qua cơ sở dữ liệu này, công dân của bất kỳ nước ASEAN nào cũng đều có thể truy cập và tìm hiểu được hiện trạng, vấn đề SHTT mà mình quan tâm hiện nay phát triển ở các nước ASEAN như thế nào.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *