Chương trình KC.02/06-10: 55 loại sản phẩm đã được thương mại hóa

Ngày 30/3/2016, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC02/11-15 đã phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (KC.02/11-15).
 
 
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình KC.02/11-15
Mục tiêu của Chương trình là tiếp thu và nắm vững được công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất một số loại thép hợp kim, thép chịu nhiệt, hợp kim kim loại màu phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp quốc phòng; Phát triển và tạo được công nghệ sản xuất, chế tạo vật liệu nano, đất hiếm, cao su chuyên dụng, polymer và composite đặc biệt, vật liệu y sinh, vật liệu điện tử tiên tiến phục vụ các ngành kinh tế – kỹ thuật; đồng thời tạo được một số công nghệ có triển vọng cao và một số nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công (KH&CN) nghệ tiềm năng.
 
Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm Chương trình, với 28 đề tài, 10 dự án sản xuất thử nghiệm, thời gian thực hiện từ tháng 5/2012 – 3/2016, các sản phẩm của Chương trình đều có trình độ khoa học cao. Đã hoàn thành được 239 sản phẩm, trong đó có 108 loại vật liệu, sản phẩm thành phẩm, dây chuyền công nghệ; 131 quy trình công nghệ, thiết kế, mô hình ứng dụng. 25 bài báo, báo cáo đăng trên tạp chí KH&CN và hội nghị quốc tế, 104 bài báo, báo cáo đăng trên các tạp chí về KH&CN trong nước. Ngoài ra, Chương trình đã tham gia đào tạo sau đại học 23 nghiên cứu sinh, 33 thạc sĩ, 14 tiến sĩ và 29 thạc sĩ bảo vệ thành công.
 
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/11-15 cho biết: đến ngày 30/3/2016, Chương trình đã đánh giá nghiệm thu xong 36/38 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ còn lại đã có Quyết định nghiệm thu cấp Nhà nước, trong đó có 3 nhiệm vụ được đánh giá Xuất sắc, 26 nhiệm vụ được đánh giá xếp loại Khá. Đặc biệt, có 70 công nghệ và vật liệu mới có khả năng ứng dụng trong thực tiễn được tạo ra từ 19 nhiệm vụ; có 3 hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế và 14 hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích thuộc 16 nhiệm vụ.
 
Đánh giá về kết quả công nghệ, chuyển giao và thương mại hóa kết quả của Chương trình, GS.TS Nguyễn Việt Bắc cho biết thêm, trong tổng số 239 sản phẩm của Chương trình, có 55 loại sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa và chắc chắn sẽ được thương mại hóa, đó là một số vật liệu như nano clay MMT, bột huỳnh quang 3 màu, lốp máy bay bơm hơi không săm, lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, hệ chất hoạt động bề mặt IAMS-M2-P để bơm ép tăng cường thu hồi dầu, màng bảo quản rau quả, thực phẩm, sơn vô cơ chịu nhiệt, sáp phức hợp cho thuốc nổ nhũ tương, ván lát và ốp tường sử dụng trong ngành vật liệu xây dựng và nội ngoại thất… Đến tháng 3/2016, nhiều vật liệu, sản phẩm đã được tiêu thụ với tổng số tiền thu được gần 60 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Chương trình cũng còn có những vướng mắc, tồn tại, cần được tháo gỡ như: Thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài/dự án, các quy định về mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu, cơ chế khoán chi, sự liên kết giữa chủ nhiệm đề tài/dự án với doanh nghiệp… nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói chung, lĩnh vực công nghệ vật liệu nói riêng. Do vậy rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách và kinh phí để các vật liệu này có thể được thương mại hóa với khả năng cạnh tranh cao.
 
Nguồn:  Bùi Hiếu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *