“Bắt tay” doanh nghiệp để tăng chuyển giao công nghệ

Thực tế phối hợp làm đề tài giữa các nhà khoa học trong Đại học Bách khoa Hà Nội với các doanh nghiệp cho thấy, lợi ích trực tiếp mang lại cho doanh nghiệp rất cao nên số đề tài hợp tác theo hướng này tăng dần, chứng tỏ đây là thị trường KH&CN cần được chú trọng.
 
Tại buổi làm việc sáng 12/4 giữa Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN – Bộ KH&CN và Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông, câu chuyện về chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường đã được thảo luận sâu.
 
Sinh viên Nguyễn Mạnh Tùng – K56, khoa Kỹ thuật quản lý môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội – đang nghiên cứu với máy cân phân tech. Ảnh: Phượng Hằng
 
Không chê nhiệm vụ nhỏ
 
Từng đề cập vấn đề này PGS-TS Trần Văn Hải – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: Hiện ở Việt Nam, sự liên kết giữa việc nghiên cứu của các viện trong trường đại học với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Tức là một bên chỉ làm chức năng nghiên cứu còn một bên cần kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất nhưng không biết tìm ở đâu.
 
Phóng viên Báo Khoa học và Phát triển đặt vấn đề này với lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và được trả lời rằng đây là một thực tế mà nhà trường đã nhận thấy.
 
Theo PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – hiện trường có khoảng 20 đơn vị đào tạo, nghiên cứu, trong đó có rất nhiều ngành truyền thống như cơ khí, cơ khí động lực. Vì vậy, chuyển giao kết quả nghiên cứu rộng rãi không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, thực tế kinh nghiệm của chính các nhà khoa học là giảng viên của trường trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để làm trực tiếp đề tài cho thấy có nhiều mặt khả qua.
 
“Chúng tôi đã động viên các thầy, cô trong trường đi vào hướng này – tức là trực tiếp nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Đó có thể là những nhiệm vụ nhỏ, mang tính chất truyền thống, hàm lượng khoa học có thể không cao lắm nhưng lợi ích mang lại trực tiếp cho doanh nghiệp rất cao. Đây là cách đóng góp chất xám trực tiếp vào việc sản xuất” – PGS Thắng cho biết.
 
Thực tế hoạt động KH&CN của Đại học Bách khoa Hà Nội thời gian qua đã chứng tỏ tính hiệu quả từ chính số công trình đã được công bố cũng như số bằng sáng chế đã được cấp. Cụ thể trong giai đoạn 2005-2015, trường nhận 37 bằng sáng chế trên tổng số 101 đơn đã được chấp nhận hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Số công trình công bố trên các tạp chí nước ngoài năm 2013 là 230, đến năm 2014 là 240. Số bài báo trong danh mục ISI năm 2013-2014 là 137 và 2014-2015 là 182.
 
“Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, số đề tài hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp tăng nhanh, chứng tỏ đây là thị trường KH&CN cần được chú trọng” – PGS Thắng nhấn mạnh.
 
Thực tế này đã minh chứng điều bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – nói: “Doanh nghiệp nhiều khi khao khát công nghệ nhưng cũng không tìm được trực tiếp – nhất là khi Việt Nam chưa có thị trường công nghệ” quả không sai.
 
Cần có doanh nghiệp vệ tinh
 
Mặc dù lựa chọn cách đi riêng của một trường đại học, song PGS-TS Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội – cũng thừa nhận một thực tế khó khăn: Đầu tư vốn đủ lớn để công trình nghiên cứu có thể đi đến cùng và chuyển giao không phải chuyện dễ làm.
 
Theo ông Hải, là trường kỹ thuật nên Đại học Bách khoa Hà Nội rất quan tâm việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Nhà trường đã thành lập BK-Holdings – một hệ thống gồm 7-8 doanh nghiệp – với mong muốn các giảng viên chuyển giao kết quả nghiên cứu ra cộng đồng.
 
“Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn về đầu tư nguồn vốn. Có những công trình nghiên cứu cần nguồn vốn rất lớn nên đã không đủ tiền để chuyển giao” – PGS Huỳnh Trung Hải chia sẻ.
 
Theo giới chuyên môn, Việt Nam nên hình thành các công ty chuyển giao công nghệ, có thể tồn tại bên cạnh các tổ chức R&D với mục đích chuyển giao sáng chế từ khu vực R&D ra khu vực sản xuất.
 
Ngoài ra, cũng có thể hình thành các công ty vệ tinh đầu tư trực tiếp đầu tư cho nghiên cứu, tạo nên sáng chế để đưa vào áp dụng công nghiệp hoặc chuyển giao cho các tổ chức có nhu cầu sử dụng. Đây cũng là mô hình được kỳ vọng sẽ kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu của các trường đại học và doanh nghiệp.
 
Phương Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *