LỜI NÓI ĐẦU
Tự động hóa ngày nay trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Công nghệ tự động hóa đã và đang đóng vai trò quyết định trong sản xuất, bởi vì nó đáp ứng được hai yêu cầu chính của sản xuất đó là năng suất và chất lượng. Tự động háo có thể làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên tự động hóa một quá trình sản xuất là một nhiệm vụ khó và phức tạp nhất so với việc tự động hóa ở các lĩnh vực khác. Tự động hóa chính là tập hợp trí tuệ đỉnh cao của các ngành như: Cơ khí, điện, điện tử, điều khiển và tin học. Phần cơ khí bao gồm các lĩnh vực như động lực học của các cơ cấu trong các máy móc, thiết bị; thiết kế các cơ cấu truyền động cơ khí chính xác , thủy lực, khí nén và ứng dụng các vật liệu chế tạo mới. Phần điện- điện tử tạo nền tảng cho việc cung cấp năng lượng và các phần tử của hệ thống điều khiển tự động với các loại động cơ đặc biệt, các phần tử cảm biến, các mạch hay các thiết bị điều khiển. Phần điều khiển tập trung vào các qui luật điều khiển để có thể tạo ra một hệ thống có chất lượng điều khiển cao nhất. Phần tin học đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, điều hành, tổ hợp, phối hợp các hoạt động của các phần tử trong hệ thống tự động. Chính vì thế từ những năm 70 đã xuất hiện các ngành kỹ thuật mới, mà bản thân các ngành này là sự tổ hợp của nhiều ngành khác nhau như Công nghệ robot (Robotics), Công nghệ tự động hóa hay Mechatronics (Mechanics+ Electronics+ Control+ Informatics), Công nghệ Cơ sinh học Biomechanics (Biology+ Mechanics) vv. Để có thể hiểu được về Công nghệ Tự động hóa các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật phải được trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật điện, về điều khiển tự động, về động lực học hệ thống, cơ khí chính xác, về nguyên lý hoạt động của các phần tử và cơ cấu trong hệ thống điều khiển tự động và đặc biệt là logic công nghệ của hệ thống được tự động hóa. Đối với các quá trình công nghệ đơn lẻ, để tự động hóa được không cần đến các hệ thống điều khiển phức tạp, mà chỉ cần các hệ thống điều khiển cơ bản dạng hệ thống điều khiển tương tự. Các máy tự động, các dây chuyền sản xuất hay các hệ thống vật lý phức tạp, không chỉ đòi hỏi một hệ thống các thiết bị kỹ thuật cao mà bắt buộc phải điều khiển bằng các hệ thống điều khiển số hay điều khiển bằng máy tính. Thiết bị điều khiển khả lập trình PLC (Programable Logic Controller) là một thiết bị điều khiển công nghiệp dạng thiết bị điều khiển số chuyên dụng, nó khong chỉ thay thế cho thiết bị điều khiển tương tự thông thường bằng kỹ thuật điều khiển số. Cuốn sách này với mục tiêu chủ yếu phục vụ cho các sinh viên đại học, cao học ngành Cơ khí, Cơ điện tử, nên tác giả buộc phải giới thiệu qua các kiến thức cơ bản về điều khiển logic trước khi đi vào các nội dung chính của thiết bị điều khiển công nghiệp này và các ứng dụng của nó. Nội dung của cuốn sách gồm ba phần:
+ Phần thứ nhất: Cơ sở điểu khiển logic,
+ Phần thứ hai: Thiết bị điều khiển khả năng lập trình PLC,
+ Phần thứ ba: Các ứng dụng của PLC
Chắc chắn rằng trong quá trình biên soạn lần đầu cuốn sách này sẽ không thể tránh hết được các thiếu sót về nội dung lẫn học thuật, vì vậy rất mong được các bạn đọc góp ý trực tiếp hoặc trao đổi thông qua địa chỉ: Bộ môn Công nghệ Chế tạo máy- Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhà C5-112, Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng- Hà Nội hoặc qua e-mail: doanhnt@hotmail.com
Tác giả
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Phần thứ nhất CƠ SỞ ĐIỀU KHIỂN LOGIC
Chương 1 KHÁI NIỆM CƠ BẢN VÀ ĐỊNH NGHĨA
Chương 2 ĐIỀU KHIỂN LOGIC
Phần thứ hai THIẾT BỊ ĐIỀU KHIỂN LOGIC- PLC
Chương 3 CẤU TRÚC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PLC
Chương 4 HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ NHỚ CỦA PLC
Chương 5 HỆ THỐNG KÊNH VÀO- KÊNH RA
Chương 6 KẾT NỘI MẠNG TRUYỀN DỮ LIỆU
Chương 7 NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH CỦA PLC5- ALLEN BRADLEY
Chương 8 NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH CỦA PLC S7-300 CỦA SIEMENS
Phần thứ ba
Chương 9 CÁC ỨNG DỤNG CỦA PLC