LỜI TÁC GIẢ
Vật liệu từ là loại vật liệu chức năng quan trọng, được sử dụng rất rộng rãi. Vật liệu từ là vật liệu cốt lõi trong hàng trăm triệu máy biến thế và động cơ điện đang hoạt động ngày đêm bảo đảm việc chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu. Trong mỗi căn hộ bình thường hay trong mỗi chiếc xe ô tô, xe máy có thể liệt kê được ít nhất 150 linh kiện làm bằng vật liệu từ tính.
Trong hơn 100 năm qua, vật liệu từ đã có bước phát triển vượt bậc cả về chủng loại lẫn tính năng kỹ thuật. Sự ra đời của thép kỹ thuật điện dị hướng (1933), ferit từ mềm (1940), sự xuất hiện vật liệu từ mềm vô định hình (1970) và nano tinh thể (1988) cho thấy sự mở rộng thành phần từ kim loại – hợp kim sang oxit, mở rộng cấu trúc từ trật tinh thể sang vô định hình. Các loại nam châm cũng có sự phát triển vượt bậc từ nam châm nền thép (1900) sang nam châm oxit (1952), từ nam châm hợp kim alnico(1930-40) sang nam châm đất hiếm (SmCo 1966-70 và NdFeB 1983). Nhờ đó mà tích năng lượng của nam châm tăng gần 50 lần, từ một vài MGOe (thép Cr) lên 50 MGOe( nam châm NdFeB), lực k háng từ cũng tăng vài chục lần, từ vài kOe (nam châm alnico) lên đến 25-30 kOe (nam châm SmCo). Cùng với sự cải thiện mạnh mẽ các thông số từ là sự xuất hiện các cơ chế từ học mới như trật tự từ có thể tồn tại trong hệ thống không trật tự tinh thể (1960), cơ chế dẫn điện phụ thuộc spin – mở đầu cho một kỹ thuật mới : spintronics (1988), mô hình dị hướng ngẫu nhiên trong vật liệu từ nano tinh thể (1990), tương tác trao đổi đàn hòi trong nam châm nano composit (1991).
Sự phát triển mạnh mẽ của các loại vật liệu từ tính và kèm theo là các mô hình lý thuyết đòi hỏi các trường Đại học phải tiếp tục không ngừng trong việc đào tạo và xuất bản các sách giáo khoa, sách chuyên khảo về từ.
MỤC LỤC
Lời tác giả
Lời cảm ơn và ghi nhận
Chương 1. Từ trường – Dòng điện và Vật liệu từ
Chương 2. Khái niệm về sắt từ và ứng dụng
Chương 3. Momen từ nguyên tử
Chương 4. Nghịch từ và thuận từ
Chương 5. Lý thuyết sắt từ.
Chương 6. Lý thuyết dải năng lượng và momen từ của hợp kim
Chương 7. Các dạng tương tác trong chất sắt từ
Chương 8. Cấu trúc đomen
Chương 9. Quá trình từ hóa và lực kháng từ
Chương 10. Phản sắt từ và feri từ
Chương 11. Các vật liệu từ mềm
Chương 12. Vật liệu từ cứng- Nam châm vĩnh cửu.